Hiện nay, vấn đề về biến đổi khí hậu và xây dựng môi trường xanh được coi như một phần của phát triển kinh tế bền vững. Tính từ thời điểm Khu Công Nghiệp (KCN) Khai Quang – KCN đầu tiên của Vĩnh Phúc được hình thành đến nay, tỉnh đã có 9 KCN đi vào hoạt động, đóng góp rất hiệu quả trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Sự phát triển lớn mạnh về quy mô các KCN, tạo ra việc làm cho người lao động, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, thúc đẩy hội nhập, cải thiện vị thế của Vĩnh Phúc trong chuỗi giá trị của cả nước…Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường và biển đối khí hậu nói chung mà một tỉnh công nghiệp như Vĩnh Phúc cũng phải đối mặt, và chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trước những thách thức hiện hữu đối với phát triển công nghiệp, Vĩnh Phúc đã ưu tiên phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực chế tạo, sản xuất công nghệ cao và “sạch” hơn, đây là những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như sản xuất, lắp ráp thiết bị, linh kiện điện tử. hạn chế lượng phát thải. Đồng thời, hạn chế các ngành nghề truyền thống như dệt may, nhuộm, gia công giày da, sản xuất pin, ắc quy đang sử dụng công nghệ lạc hậu và lỗi thời. Đây là những lĩnh vực sử dụng nhiều hóa chất và thải ra nhiều độc hại cho công nhân cũng như môi trường xung quanh, hướng tới nền công nghiệp xanh, phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Khu Công nghiệp Thăng Long III Vĩnh Phúc – Một điển hình Công nghiệp xanh của Vĩnh Phúc |
Một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực xây dựng KCN xanh tại Vĩnh Phúc phải kể đến Khu CN Thăng Long III – được khởi công xây dựng tháng 9/2017 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký 2.050 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là thu hút các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên dự án công nghệ cao, hoạt động trong các lĩnh vực: Sản xuất động cơ, phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy; sản xuất phụ kiện điện tử, các sản phẩm cơ khí chính xác… Cùng với việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, để hướng đến xây dựng một khu công nghiệp hiện đại, tạo ra nguồn năng lượng sạch vì tương lai xanh, ngay sau khi dự án đi vào hoạt động, chủ đầu tư đã thực hiện lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất 4MWp (megawatt-peak) để tận dụng tối đa nguồn năng lượng từ thiên nhiên, giúp các doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư tại KCN có thể tiết giảm chi phí sản xuất, giảm lượng phát thải khí CO2, xây dựng môi trường làm việc lý tưởng cho người lao động. Mặc dù quy định của tỉnh đưa ra là phải giành tối thiểu 10% cho diện tích cây xanh, mặt nước và đường đi nhưng tại khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, diện tích này đã được đưa lên gấp đôi. Bên cạnh việc trồng những loại cây cao, tán rộng như lộc vừng, cau vua, tùng bách tán… dọc lối đi thì còn rất nhiều những thảm cỏ, giống cây hoa thấp được trồng thành từng khuôn viên nhỏ tạo nên điểm nhấn xuyên suốt trong khu công nghiệp. Không chỉ có cây trồng, hơn 3,6km chiều dài của tổng 3 tuyến kênh được xây dựng không chỉ là nơi tiêu thoát nước mưa, chống úng ngập mà còn là nơi trữ nước để phục vụ việc chăm sóc tưới cây, cân bằng môi trường sinh thái. Ông WACHI SATORU – Phó Tổng Giám Công ty TNHH KCN Thăng Long Vĩnh Phúc cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận và có trách nhiệm chăm sóc khu đất này thay cho huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Chúng tôi phải biến khu đất này hấp dẫn hơn bao giờ hết, và biến nó trở thành nơi mà mọi người ở khu vực này đều muốn con cháu và thế hệ sau của họ làm việc ở đây. Vì vậy, xem xét đến yếu tố môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Hiện tại, công ty chúng tôi đang đẩy mạnh việc tạo ra năng lượng sạch bằng vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà. Hiện tại, tuy chỉ chiếm 5% sản lượng tiêu thụ, nhưng trong vài năm tới, mục tiêu của chúng tôi sẽ là thay thế 10-20% tổng sản lượng tiêu thụ bằng năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời”
Cây xanh được chăm sóc tỷ mỷ tại KCN Thăng Long III Vĩnh Phúc |
Chính từ những ưu việt của việc xây dựng khu công nghiệp xanh, rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn Thăng Long III là địa điểm đầu tư xây dựng nhà xưởng. Thậm chí đến nay, KCN này đã được lấp đầy, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đã không còn kịp thuê địa điểm tại đây. Là một công ty trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghệ, hệ thống điện năng lượng mặt trời đáp ứng được khoảng 60 – 70% năng lượng điện phục vụ sản xuất của CNCTech tại KCN Thăng Long. Các sản phẩm chính của CNCTech gồm các chi tiết CNC, khuôn và sản phẩm nhựa, cùng với các linh kiện và bản mạch điện tử. Ông Vũ Anh Tuấn – Tổng Giám đốc CNC Tech Group, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Với công suất sản xuất như hiện tại, tính ổn định của năng lượng điện mặt trời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự kiểm soát lượng điện tiêu thụ mỗi tháng, tránh rủi ro của việc cắt điện định kỳ hoặc gián đoạn do sự cố lưới điện khiến công việc sản xuất bị trì trệ. Đặc biệt, không chỉ cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp còn hướng tới việc cung cấp các dịch vụ sản xuất trọn gói cho các đối tác toàn cầu, do vậy việc sử dụng nguồn năng lượng xanh, nhà máy xanh sẽ là lợi thế cạnh tranh khi doanh nghiệp ra nhập các thị trường khó tính như Châu Âu, Châu Mỹ.”
Xác định rõ vai trò của chủ đầu tư phải tiên phong trong việc xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp, nhà máy trong khu công nghiệp cùng hưởng ứng, khi mới bắt đầu xây dựng Khu công nghiệp Bá Thiện II trên địa bàn huyện Bình Xuyên, Chủ đầu tư đã tập trung vào việc thiết lập hệ thống cây xanh, thảm cỏ nhằm tạo “lá phổi xanh” cho Khu công nghiệp. Được biết, tại KCN Bá Thiện 2 rộng 54ha thì có tới 15ha được dành cho việc trồng cây xanh, thảm cỏ. Để có được những ấn tượng đẹp như ban đầu chúng tôi nhận thấy, đơn vị điều hành KCN đã thuê một đơn vị thường xuyên quét dọn các tuyến đường nội khu, duy trì việc chăm sóc, cắt tỉa hệ thống cây xanh, tạo cảnh quan môi trường KCN xanh, sạch, đẹp. Anh Nguyễn Văn Dũng, công nhân tại KCN Bá Thiện 2- Bình Xuyên cho biết việc tạo cảnh quan cây xanh nhằm cải thiện môi trường trong KCN không chỉ tạo bóng mát, cây xanh trong khu công nghiệp mà góp phần nâng cao tính thẩm mỹ, giảm căng thẳng, áp lực cho người lao động. Việc trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên KCN hay trong mỗi công ty góp phần tạo lá phổi xanh cho KCN, giúp điều tiết không khí, cân bằng môi trường sinh thái, làm giảm áp lực căng thẳng sau mỗi giờ lao động cho đội ngũ cán bộ, công nhân bằng cảnh quan tươi mát, gần gũi với thiên nhiên.
Lối ra vào KCN Bá Thiện II Vĩnh Phúc được trồng rất nhiều cây xanh |
Ông Nguyễn Xuân Trường – Khu Công nghiệp Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Với hơn 20 doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe máy… KCN này có tổng lượng nước thải phát sinh hơn 763m3/ngày, đêm. Để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nước, chúng tôi đã sớm xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện đại, gồm 2 modul với tổng công suất 5.000m3/ngày; lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc nước thải tự động truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Theo kết quả quan trắc, nước thải của KCN Bá Thiện II luôn nằm trong giới hạn cho phép. Trong thời gian tới, khi có thêm các nhà đầu tư vào khu công nghiệp thì chúng tôi sẽ đầu tư thêm các modul tiếp theo để đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải tại khu công nghiệp.”
Màu xanh bao trùm khu công nghiệp Bá Thiện II tỉnh Vĩnh Phúc |
Trước đây, mỗi một doanh nghiệp khi đầu tư vào KCN thường chỉ tập trung vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt các biện pháp về xử lý nước thải, chất thải, khói bụi ô nhiễm môi trường cũng như phòng chống cháy nổ theo quy định mà quên đi việc tạo cảnh quan môi trường xung quanh. Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng sản xuất, những ảnh hưởng từ khói, bụi, chất thải tại các nhà máy trong KCN là điều không thể tránh. Do đó nhiều chủ đầu tư tại các KCN đã quan tâm tìm hiểu, đầu tư xây dựng môi trường cảnh quan nhiều cây xanh trong khuôn viên. Theo lãnh đạo Phòng Quản lý và quy hoạch xây dựng- Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: “Trong những năm vừa qua, xác định rõ tầm quan trọng trong việc xây dựng môi trường, cảnh quan xanh sạch, đẹp tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã lên kế hoạch chỉnh trang, trồng nhiều cây xanh tại các đường đi nội bộ trong khuôn viên khu công nghiệp cũ cũng như đưa vào quy hoạch, thiết kế với những khu công nghiệp mới trước khi đi vào hoạt động đồng thời cũng quy định mỗi công ty phải giành tối thiểu 10% diện tích khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Từ đó, các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong mỗi khu công nghiệp cũng xác định rõ tầm quan trọng trong việc xây dựng lá phổi xanh tại các khu công nghiệp nên cũng đã có nhiều hành động thiết thực trong việc tạo mảng xanh trong khuôn viên, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng cư dân sinh sống xung quanh.”
Đến nay, toàn tỉnh có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ duyệt danh mục, tổng diện tích 5.228 ha, trong đó có 9 KCN đã thành lập với tổng diện tích gần 1.844 ha. 100% các KCN được hình thành đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hoàn thành lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động để theo dõi, giám sát, truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Nguyễn Bá Hiến – Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Sở TNMT đã có nhiều văn bản đôn đốc đồng thời kiểm tra giám sát các chủ nguồn thải là chủ là chủ đầu tư các khu công nghiệp thực hiện chấp hành pháp luật về môi trường và các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo hồ sơ báo cáo tác động môi trường đã được Bộ TNMT phê duyệt cũng như các báo cáo tác động môi trường do tỉnh VP ban hành”
Với quan điểm “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội; gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, chú trọng phát triển các khu công nghiệp xanh bền vững và hiện đại. Tuy nhiên, để góp phần giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất, góp phần hiện thực cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam, Vĩnh Phúc cần những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh và bền vững, thúc đẩy tiêu dùng, nâng cao sử dụng sản phẩm xanh.
Theo Ngọc Ánh – Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển (https://kinhdoanhvaphattrien.vn/) phát hành thứ 6 ngày 26/05/2023.