Bài phỏng vấn bằng tiếng Nhật của Tạp chí Emidas với ông Đậu Lê Thảo, Tổng Giám đốc CNCTech Thăng Long, đăng trên số báo xuân 1/2023. Ảnh trên bìa phải – quá trình lắp đặt kho ngoại quan trong khuôn viên tổ hợp Thăng Long của công ty.
Thưa ông, ông có nhận định gì về tình hình kinh tế nói chung của Việt Nam và hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong năm 2022?
Năm 2022, dịch bệnh đã được khống chế. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong bốn năm trở lại đây, mở ra nhiều cơ hội cho ngành sản xuất trong nước.
Tuy vậy chính sách Zero Covid kéo dài đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến thị trường sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt ở ngành điện tử. Bên cạnh đó, khủng hoảng năng lượng và lạm phát toàn cầu cũng khiến chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển tăng.
Tình hình hoạt động của quý công ty trong năm 2022 như thế nào ạ? Về đơn hàng, nhà cung cấp, nhân sự, nguyên vật liệu, v.v.
Trong khi Covid-19 diễn ra phức tạp, CNCTech đã tập trung vào việc mở rộng quy mô thiết bị và đào tạo nguồn lực, để đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất. Việc này cũng xuất phát từ kinh nghiệm kiên trì phát triển đội ngũ trong đợt suy thoái năm 2008. Công ty đã có chuẩn bị tốt và tăng trưởng nhanh chóng trong các năm sau đó khi kinh tế ấm trở lại.

Phía đầu vào, công ty chịu ảnh hưởng từ việc nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng. Tuy nhiên mặt tốt là trình độ kỹ thuật và quản lý của đối tác cung ứng trong nước những năm gần đây đã tiến bộ rất nhiều, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng và kỹ thuật của khách hàng.
Ở đầu ra, đơn hàng từ khách hàng cũ nhìn chung có giảm do ảnh hưởng vĩ mô và Covid-19. Tuy nhiên, chúng tôi đã kịp phát triển thêm các khách hàng Nhật và Mỹ mới. Toàn bộ tập thể rất nỗ lực, nên tổng doanh thu vẫn vượt mục tiêu đầu năm tới hơn 15%.
Đâu là điểm khó khăn nhất đối với quý công ty năm vừa rồi, thưa ông?
Hậu Covid, thử thách lớn nhất đối với chúng tôi lại đến từ việc mở rộng nhanh chóng. Ngành sản xuất chính xác đòi hỏi nhiều thời gian để nhân sự làm chủ các nhóm kỹ năng, máy móc, quy trình và tiêu chuẩn chất lượng. Cho nên cơ hội đến lại vừa mừng vừa lo. Bên cạnh làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, căng thẳng thương mại trong ngành bán dẫn cũng mở ra cánh cửa mới vào thị trường lắp máy tự động ở Nhật và Mỹ. Với chúng tôi, đây là một lực chuyển rất đáng chú ý cho các công ty cơ khí chính xác đủ quy mô và năng lực ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ông Đậu Lê Thảo, Tổng Giám đốc CNCTech Thăng Long
Ông nhận định thế nào về triển vọng kinh tế năm 2023? Đồng thời, xin ông chia sẻ kế hoạch của CNCTech trong năm mới theo những nhận định đó?
Chính sách Zero Covid đã từng bước nới lỏng, nên việc gián đoạn nguồn cung và thị trường xuất khẩu sẽ tốt lên. Việt Nam hiện được nhiều tổ chức đánh giá là nước có điều kiện vĩ mô tốt trong giai đoạn tới, là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI để phát triển mô hình sản xuất Trung Quốc + 1, đa dạng hoá chuỗi cung toàn cầu. Cùng với việc chính sách tín dụng trong nước đang được cải thiện, 2023 sẽ là một năm tràn đầy hy vọng với ngành sản xuất Việt.
Đối với CNCTech, 2022 là năm bản lề, còn từ 2023 là giai đoạn tăng tốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung mở rộng quy mô lên gấp rưỡi, phục vụ cho sản xuất xuất khẩu vào các thị trường Nhật và Âu Mỹ.
Xin chân thành cảm ơn ông.